Các nhà hát ‘góp gạo thổi cơm chung’

a1-vo-nguoi-di-dep-cao-su-vua-duoc-nha-hat-kich-viet-nam-cong-dien-da-mang-lai-nhieu-cam-xuc-dang-trao

Các nhà hát ‘góp gạo thổi cơm chung’

Cập nhật lúc :7:32 AM, 06/04/2012
(Đất Việt) Bộ VHTT&DL vừa chính thức ra quyết định thành lập Nhà hát Kịch Quốc gia Việt Nam, đây sẽ là Nhà hát lớn nhất Việt Nam, quy tụ những nghệ sĩ hàng đầu của đất nước.

Sáng 5/4, NSND Lê Hùng được bổ nhiệm chức vụ giám đốc của Nhà hát này, giúp việc cho ông là ba phó Giám đốc phụ trách chuyên trách là ông Trương Nhuận, Nguyễn Thế Vinh và bà Trần Tố Trinh.

Vẫn giữ thương hiệu các thành viên

Nhà hát Kịch Quốc gia Việt Nam thành lập trên cơ sở hợp nhất của hai nhà hát: Nhà hát Kịch Việt Nam, Nhà hát Tuổi trẻ và cho ra đời Nhà hát kịch nhi đồng. Đây là nội dung chính trong Quyết định số 1153 – QĐ/BVHTTDL do Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh ký ngày 27/3/2012.

NSND Lê Hùng vốn đang kiêm nhiệm vai trò Giám đốc của hai Nhà hát là Nhà hát Kịch Việt Nam và Nhà hát Tuổi trẻ. Ông tiếp tục giữ ghế lãnh đạo khi ba nhà hát hợp nhất làm một.

Thứ trưởng Hồ Anh Tuấn cho hay, tạm thời khi thành lập, các nhà hát vẫn đóng ở vị trí cũ, vẫn giữ nguyên tên gọi và chưa có gì xáo trộn. Nhưng trong thời gian tới, Nhà hát Kịch Quốc gia Việt Nam sẽ kiện toàn bộ máy tổ chức và xây dựng cơ sở vật chất tốt hơn để các nhà hát này đảm nhiệm vai trò đầu tàu của làng kịch Việt Nam, phục vụ đông đảo đối tượng khán giả. “Các nhà hát vẫn giữ nguyên tên gọi, nhưng nằm trong một tổ chức mới và sẽ hoạt động tốt hơn, nâng tầm lên, tập trung vào chuyên môn hơn”, thứ trưởng Hồ Anh Tuấn cho hay.

cac-nha-hat-gop-gao-thoi-com-chung
Các nghệ sĩ hy vọng chế độ lương bổng và thù lao sẽ tăng sau khi hợp nhất.

Vị thứ trưởng cũng cho biết, khi làm việc với các nhà hát, họ có nguyện vọng là không thay đổi thương hiệu đã có từ lâu và ba nhà hát. Chính các thương hiệu này sẽ tạo nên uy tín của Nhà hát Kịch Quốc gia Việt Nam. “Trước đây, họ đầu tư rất manh mún, nay được tập trung đầu tư lớn hơn, các nghệ sĩ cũng được huy động tốt hơn để làm nên thương hiệu quốc gia”, ông nói.

Để đưa Nhà hát mới sau khi sáp nhập sẽ mạnh hơn, phục vụ được quần chúng hiệu quả hơn, theo Thứ trưởng, còn rất nhiều việc phải làm. Đây là luận chứng rất quan trọng trong đề án mà Bộ đã thông qua.a1-vo-nguoi-di-dep-cao-su-vua-duoc-nha-hat-kich-viet-nam-cong-dien-da-mang-lai-nhieu-cam-xuc-dang-trao

Nhà hát tương lai rộng 7.000m2

Trao đổi với Đất Việt, ông Trương Nhuận, Phó Giám đốc Nhà hát Kịch Quốc Gia Việt Nam, cho hay, ban lãnh đạo mới sẽ xây dựng chức năng, quyền hạn và cơ cấu để trình Bộ trưởng. Theo ông Nhuận, các nhà hát sẽ có tính chuyên biệt hơn.

Ông Nhuận tiết lộ, trong đề án trình Chính phủ, trụ sở mới sẽ được xây dựng trên khu đất rộng 7.000m2 ở Mỹ Đình. Dự kiến, sẽ có hai sân khấu được xây với cơ sở vật chất hiện đại, đó là một nhà hát rộng 1.200 chỗ ngồi và sân khấu thử nghiệm gồm 500 chỗ ngồi với các thiết bị tối tân nhất. Dự án này đã được hai đời Bộ trưởng Phạm Quang Nghị và Lê Doãn Hợp phê duyệt. Hiện tại, dự án này đang chờ sự đầu tư của Chính phủ.

Trước mắt, các kế hoạch biểu diễn của Nhà hát Kịch Việt Nam và Nhà hát Tuổi trẻ vẫn thực hiện bình thường. Ban Lãnh đạo Nhà hát mới sẽ làm lễ ra mắt chính thức với các chương trình, kịch mục đặc sắc, có sự tham gia của các tên tuổi nổi tiếng nhất của hai nhà hát.

Khi được hỏi liệu đời sống của nghệ sĩ và cán bộ công nhân viên có được nâng cao, ông Trương Nhuận cho hay, theo đề án là “có”. “Cùng với việc nâng tầm và quy mô nhà hát, công việc nhiều lên, trách nhiệm lớn lên, hy vọng quyền lợi và đời sống của mọi người cũng sẽ tốt hơn”, ông Nhuận chia sẻ.

 

Lê Thoa
Mục nhập này đã được đăng trong Tin tức và được gắn thẻ .