Có nên gắn kết lòng yêu nước vào việc thu phí?
(Dân trí) – Yêu nước không phải là đóng phí theo ý muốn của nhà quản lý. Nếu gắn kết yêu nước vào đây là quá xem thường lòng yêu nước. Chưa kể quá xem thường nhận thức của nhân dân về trách nhiệm, nghĩa vụ, bổn phận của công dân đối với đất nước.
Tôi nghĩ, thực tế việc đóng góp này là thể hiện lòng yêu nước. Đúng là có thể nó chưa hoàn toàn khách quan, chưa hoàn toàn công bằng, nhưng tôi nghĩ, trong 600 nghìn người này, có xe ô tô. Để đóng góp cho đất nước, tôi nghĩ rằng, đây cũng là một sự tự hào, một hạnh phúc. Đó là lời của Bộ trưởng Đinh La Thăng trên báo Tiền Phong Online (http://www.tienphong.vn/xa-hoi/571978/kinh-te-kho-khan-ban-khoan-thu-phi-tpov.html).
Xin phép được thưa với Bộ trưởng là ông đã cho làm điều tra xã hội học mà cụ thể là gửi phiếu khảo sát lấy ý kiến chủ nhân của 600.000 chiếc ôtô nằm trong danh sách bị đóng phí chưa mà lại nói vậy? Còn nếu như cho phát phiếu thăm dò thì hoàn toàn có thể ông sẽ nhận được kết quả ngược lại. Xin bộ trưởng đừng nghĩ đơn giản người dân phản đối vì họ bị đánh vào túi tiền. Nếu nghĩ như vậy là đánh giá chưa chính xác về trách nhiệm công dân của nhân dân. Đã từng có nhiều chính sách khác ảnh hưởng tới người dân, nhưng dân mình vẫn nghiêm chỉnh chấp hành vì chính sách đó phù hợp.
Nếu vào google, gõ tiêu đề thu phí hạn chế xe cá nhân hoặc thu phí giao thông, ông cũng sẽ có ngay hàng loạt bài báo và ý kiến không đồng tình, đồng thời ông cũng biết được có bao nhiêu ý kiến đồng tình. Qua đó sẽ biết là người dân có tự hào, hạnh phúc như Bộ trưởng khẳng định hay không?
Nếu nói rằng đóng phí theo đề xuất của Bộ GTVT là yêu nước, thế thì những người có ý kiến phản biện đề xuất – trong đó có rất nhiều người là nhà khoa học, nhà quản lý, cựu đại biểu Quốc hội – là không yêu nước hay sao?
Theo tôi hiểu, lòng yêu nước là tự nhiên, không ai áp đặt và không bị áp đặt. Yêu nước cũng không phải là chấp nhận mọi quyết định và chính sách bất hợp lý mà ngược lại, yêu nước là phải biết phản biện, đóng góp ý kiến xây dựng để các quyết định và chính sách đó được điều chỉnh cho đúng dắn, phù hợp nhằm thúc đẩy phát triển đất nước và khoan thư sức dân.
Yêu nước không phải là đóng phí theo ý muốn của nhà quản lý. Nếu gắn kết yêu nước vào đây là quá xem thường lòng yêu nước. Chưa kể quá xem thường nhận thức của nhân dân về trách nhiệm, nghĩa vụ, bổn phận của công dân đối với đất nước.
Người dân tự biết trách nhiệm công dân của mình nhiều khi không kém gì những người có chức quyền.
Lê Chân Nhân