Dư luận và bộ trưởng Đinh La Thăng

bo-truong-dinh-la-thang

Dư luận và bộ trưởng Đinh La Thăng

Quản trị công và quản trị tư

SGTT.VN – Đề xuất thu phí đánh vào phương tiện giao thông của bộ Giao thông tiếp tục hâm nóng dư luận qua các phát biểu của bộ trưởng Đinh La Thăng với giới báo chí chiều 3.4 vừa qua.

bo-truong-dinh-la-thang

Việc báo chí lên tiếng vừa qua, phản biện một đề xuất chính sách của bộ Giao thông có lẽ phải được coi là một cơ hội tốt để bộ trưởng Giao thông có thêm thông tin và căn cứ nhằm xem xét lại các quyết định của mình. 

 

Đặc biệt khi một lần nữa, Bộ trưởng tỏ rõ sự thẳng thắn, chân thành cũng như bản lĩnh “tư lệnh” của mình bằng nói lời “xin lỗi những người đi ôtô” và khẳng định sẽ “chịu trách nhiệm cá nhân” về đề xuất chính sách này.

Với góc nhìn và tư duy pháp lý, tôi cảm nhận ngay một điều bất cập, đó là hình như bộ trưởng Thăng đã có sự lầm lẫn ở đây giữa hai lĩnh vực hành xử: quản trị công và quản trị tư?

Đành rằng, phải khách quan đánh giá cao phẩm chất cá nhân của bộ trưởng như xông xáo, quyết đoán và khả năng dám đột phá trong suy nghĩ và hành động, là điều rất nên có nếu xét trên phương diện một người chủ hay lãnh đạo doanh nghiệp. Bởi đó là lĩnh vực “quản trị tư”, nơi mà quyền lực sở hữu và thẩm quyền quản lý được phân định rất rành mạch, và đi liền với nó là các vấn đề về lợi ích, trách nhiệm cũng được xác định rõ ràng. Chẳng hạn, nếu là chủ một doanh nghiệp (hay một tổ chức tư nhân), quyền lực gắn liền với lợi ích của nhà đầu tư hay cổ đông; còn nếu là nhà quản lý (ví dụ một tổng giám đốc), việc chịu trách nhiệm luôn luôn được làm rõ theo cơ chế hợp đồng với chủ doanh nghiệp, v.v. và v.v.

Tuy nhiên, đối với “quản trị công” (chẳng hạn quyền hạn và trách nhiệm của một bộ, ngành) thì bản chất vấn đề lại hoàn toàn khác. Trước hết, quản trị công được hình thành trên cơ sở sự tín nhiệm và trao quyền của nhân dân.

“Tín nhiệm” được hiểu không chỉ là niềm tin vào phẩm chất và năng lực của người được giao quản trị công (ví dụ bộ trưởng một bộ hay chủ tịch một tỉnh) khi được lựa chọn vào cương vị đó, mà còn là niềm tin vào động cơ hành động của anh ta với sự khẳng định rằng anh ta luôn luôn hành động vì lợi ích của nhân dân. Còn “trao quyền” lại gắn với một cơ chế rất trừu tượng và phức tạp, không giản đơn như một hợp đồng quản lý hay uỷ nhiệm, do đó không thể dễ dàng cho việc quy trách nhiệm cũng như rút quyền, một khi sự tín nhiệm nói trên không còn. Nói như vậy có nghĩa rằng nhân dân, là người trao quyền, sẽ luôn luôn là bên chịu rủi ro một khi có sự lựa chọn nhầm lẫn đối với người quản trị công, bởi tối đa thì phải sau một nhiệm kỳ năm năm, sai lầm ấy (nếu có) mới có cơ hội sửa chữa.

Với sự thật như vậy, về nguyên lý, có lẽ bộ trưởng Thăng mới là người phải thông cảm với nhân dân chứ không phải ngược lại? Bởi qua phát ngôn, người dân hiểu rằng bộ trưởng đang yêu cầu người dân thứ lỗi để bộ trưởng được yên khi thực thi công việc giải quyết ùn tắc giao thông của mình.

Năng lực chịu trách nhiệm của một người quản trị công, dù là một bộ trưởng, làm sao có thể tương thích với các sai lầm và hậu quả của một chính sách mà người dân phải chịu.

Còn nói về trách nhiệm cá nhân, cũng lại là một nguyên lý của quản trị công, đó là nhân dân luôn luôn là người phải tự gánh lấy các nhầm lẫn hay sai sót của chính mình khi quyết định và lựa chọn, bởi năng lực chịu trách nhiệm của một người quản trị công, dù là một bộ trưởng, làm sao có thể tương thích với các sai lầm và hậu quả của một chính sách mà người dân phải chịu?

btr-thang

Với cách tiếp cận vấn đề như trên, từ góc độ một chuyên gia pháp luật, tôi thiển nghĩ rằng việc báo chí lên tiếng vừa qua, phản biện một đề xuất chính sách của bộ Giao thông có lẽ phải được coi là một cơ hội tốt để bộ trưởng Giao thông có thêm thông tin và căn cứ nhằm xem xét lại các quyết định của mình. Về khách quan, bộ Giao thông, với các chuyên gia nhiều kinh nghiệm nghề nghiệp, có thể đúng về khoa học, nhưng vấn đề ở chỗ lợi ích của người dân. Lợi ích ấy phải và chỉ có thể do chính người dân hiểu và tự xác định. Một quyết sách liên quan đến số đông người dân, mà không nhất thiết phải đa số, về bản chất là một quyết định chính trị, và do đó, vấn đề lợi ích sẽ được đặt lên trên các luận cứ khoa học.

Rất tiếc rằng, không như ở nhiều nước, chúng ta chưa có cơ chế thăm dò dư luận, để có được các cơ sở chính xác hơn cho việc đánh giá đúng, sai, phù hợp hay không phù hợp. Bởi thế, báo chí trở thành một diễn đàn duy nhất nhưng vô cùng quý giá để đo đạc lòng dân.

Để kết thúc, tôi xin được bày tỏ rằng sau tất cả, công việc còn lại của bộ trưởng Đinh La Thăng là trách nhiệm giải trình, không chỉ trước các cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định mà còn trước cả dư luận. Bởi suy cho cùng, chính sách nào cũng phải do người dân thực hiện và chính sự đồng thuận của họ sẽ quyết định thành công. Ngược lại, một chính sách được ban hành khiên cưỡng và thực thi ép buộc sẽ dẫn đến méo mó về mục tiêu và hiệu quả. Hành xử như vậy, chắc chắn bộ trưởng sẽ khẳng định trên thực tế sự tín nhiệm và trao quyền của nhân dân.

Luật sư Nguyễn Tiến Lập