Hy Lạp: Bất ổn gia tăng vì chính sách khắc khổ

hy-lap-bat-on

Hy Lạp: Bất ổn gia tăng vì chính sách khắc khổ

Thứ Sáu, 6.4.2012 | 09:04 (GMT + 7)

Ngày 5.4, cảnh sát Hy Lạp tiếp tục phải bám trụ tại các nẻo đường ở thủ đô Athens và phong tỏa con phố trước cửa toà nhà quốc hội (ảnh) nhằm kiểm soát hàng nghìn người dân đổ xuống đường biểu tình để bày tỏ sự giận dữ về vụ một dược sĩ nghỉ hưu tự tử vì túng quẫn một ngày trước đó.

 

Bùng phát biểu tình

Ngày 4.4, dược sĩ về hưu Dimitris Christoulas (77 tuổi) dùng súng bắn thẳng vào đầu tại quảng trường Syntagma đông đúc, cách toà nhà Quốc hội Hy Lạp khoảng 100m. Các nhân chứng kể lại rằng trước khi tự sát, người này hét lên rằng: “Tôi có những khoản nợ nần và tôi không thể chịu nổi điều đó nữa. Tôi không muốn con cái mình phải hứng chịu những khoản nợ đó”.

Trong túi áo của người này, cảnh sát còn tìm thấy một bức thư tuyệt mệnh buộc tội các chính trị gia Hy Lạp và cuộc khủng hoảng tài chính mà nước này đang gánh chịu đã khiến ông không thể sống nổi bằng khoản lương hưu ít ỏi trong khi phải đóng thuế suốt 35 năm trước đó. “Chính phủ đã hủy diệt mọi hy vọng tồn tại của tôi và tôi không thể tìm được sự công bằng nào. Tôi không tìm ra bất kỳ hình thức tranh đấu nào ngoài kết thúc cuộc sống trong danh dự trước khi phải bắt đầu tìm kiếm thức ăn trong thùng rác” – trích thư tuyệt mệnh của ông Christoulas.
hy-lap-bat-on

Ngay sau khi vụ tự sát trên xảy ra, hơn 1.500 người Hy Lạp đổ về quảng trường Syntagma, tập trung trước cửa tòa nhà chính phủ để phản đối chính phủ. Họ đặt hoa, thắp nến và dán các mẩu giấy tưởng niệm viết tay dành cho người xấu số, trong đó chứa đựng các thông điệp như: “Đây không phải là một vụ tự sát mà là giết người với hung thủ là chính phủ” hay “Các chính sách thắt lưng buộc bụng giết người”…

Trong khi đó, hàng trăm người khác tuần hành tại khu vực bên ngoài nhà ga xe điện ngầm Syntagma và các khu vực công cộng khác để tỏ thái độ bất bình trước cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay, với tình trạng thất nghiệp cao trong khi tiền lương và trợ cấp ngày một thu hẹp. Bạo lực có dấu hiệu bùng phát khi một số người biểu tình ném bom xăng vào cảnh sát và cảnh sát chống trả bằng hơi cay.

Tiềm ẩn bất ổn cao

Bình luận về vụ tự tử trên, ông Vassilis Papadopoulos – phát ngôn viên của nhóm “I won’t pay” (tạm dịch “Tôi không trả tiền”) – cho biết: “Vụ việc cho thấy xã hội Hy Lạp đang chao đảo thế nào”. Ông Papadopoulos – người khởi xướng chiến dịch biểu tình hôm 5.4 – cho biết, vụ tự tử này cho thấy Hy Lạp không thể tiến hành các chính sách “thắt lưng buộc bụng” lâu hơn nữa.

“Đây không phải là một vụ tự tử tại gia mà là thông điệp tự tử chính trị. Bởi vụ tự tử diễn ra ngay trước nhà Quốc hội Hy Lạp – nơi các chính sách tiết kiệm đã được thông qua” – ông Papadopoulos nói. Một bác sĩ tại Athens tên là Dimitris Giannopoulos cho rằng, Chính phủ Hy Lạp hiện chỉ quan tâm duy nhất tới các tài khoản ngân hàng.

Thủ tướng Hy Lạp Lucas Papademos đã lên tiếng bày tỏ sự chia sẻ với số phận người đàn ông vừa tự sát trên, đồng thời kêu gọi chính phủ và các công dân nỗ lực hỗ trợ những người đang cảm thấy túng quẫn “trong những thời khắc khó khăn này”.

hy-lap-bat-on-gia-tang-vi-chinh-sach-khac-kho

Kể từ sau khi Hy Lạp thông qua các biện pháp “thắt lưng buộc bụng” để đổi lấy hai gói cứu trợ liên tiếp nhằm tránh nguy cơ vỡ nợ, bầu không khí xã hội nước này hết sức căng thẳng. Ước tính, hiện 1/5 số người dân Hy Lạp rơi vào cảnh thất nghiệp, khiến tình trạng khủng hoảng về tâm lý xã hội gia tăng và ngày càng nhiều người tự tử hơn. Năm 2011, tỉ lệ người tự tử tại Hy Lạp tăng lên 18% so với năm 2010.

Vì vậy, vụ tự tử trên khiến nhiều người nghi ngại rằng nó có thể châm ngòi cho phong trào biểu tình chuỗi ở Hy Lạp và các nước lân cận trong thời buổi suy thoái kinh tế hiện nay.

T.T (Theo AP, BBC)