Triều Tiên phóng vệ tinh và cơ hội cho tình báo nước ngoài

ten-lua-taepodong-2-cua-trieu-tien-roi-be-phong-2009

Triều Tiên phóng vệ tinh và cơ hội cho tình báo nước ngoài

Nhiều ảnh vệ tinh tiết lộ về bệ phóng tên lửa Triều Tiên

TP – Trong khi Mỹ và các đồng minh phản đối việc Bình Nhưỡng kiên quyết thực hiện kế hoạch phóng vệ tinh vào tuần tới, các cơ quan tình báo Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc đang khẩn trương tận dụng sự kiện này để quan sát bí mật công nghệ quân sự của CHDCND Triều Tiên.

dan-ten-lua-danh-chan-pac-3-cua-nhat-ban
Dàn tên lửa đánh chặn PAC-3 của Nhật Bản Ảnh: Từ Internet.

 

Cơ hội hiếm hoi

Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc có thừa phương tiện kỹ thuật quân sự để theo dõi cuộc phóng vệ tinh của Bình Nhưỡng từ đường đi của tên lửa đến quĩ đạo của vệ tinh, thậm chí có thể bắn hạ tên lửa Triều Tiên nếu cần.

Các chuyên gia kỹ thuật quân sự Mỹ và đồng minh sẽ phân tích mọi thông tin thu được từ vụ phóng vệ tinh này như địa điểm nơi tầng tên lửa đẩy rơi, hình dáng của mũi tên lửa…

Các thông tin thu được sẽ vô cùng quí giá và có tác động mạnh đến việc vạch kế hoạch phòng thủ khu vực cũng như các cuộc đàm phán về vũ khí trong tương lai.

Các nhà chiến lược quân sự Mỹ muốn biết Triều Tiên đã tiến bộ đến mức nào về công nghệ chế tạo tên lửa kể từ đợt phóng vệ tinh thất bại cách đây 3 năm.

Các nhà đàm phán vũ khí đang săn lùng các thông tin về tên lửa, bệ phóng tên lửa vượt đại châu được cải tiến của Triều Tiên phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài đến mức nào.

Một chuyên gia quân sự Nhật Bản chuyên nghiên cứu về Triều Tiên cho biết, Mỹ và các đồng minh rất muốn biết nhiều điều về trình độ công nghệ tên lửa của Bình Nhưỡng.

Nếu Triều Tiên phóng thành công vệ tinh vào quĩ đạo Trái Đất, điều đó chứng tỏ nước này đã sở hữu công nghệ tên lửa vượt đại châu có thể đưa đầu đạn tới bất cứ nơi nào trên thế giới.

Thông tin từ đường bay tên lửa

Triều Tiên nói rằng, họ sắp phóng vệ tinh vào quĩ đạo qua cực Trái Đất. Nếu vậy, vị trí các tầng tên lửa đẩy được kích hoạt sẽ chứng tỏ tên lửa này hướng về phía nam qua Đông Hải và Thái Bình Dương chứ không bay về hướng đông qua Nhật Bản như lần phóng vệ tinh thất bại của Bình Nhưỡng hồi năm 2009.

Nếu Bình Nhưỡng thực hiện đúng như vậy, chứng tỏ Triều Tiên đã rất thận trọng để tránh phản đối của các nước láng giềng. Tuy nhiên, do được thiết kế cho bay về hướng nam, tên lửa của Triều Tiên sẽ đe dọa an ninh của các nước phía nam, chẳng hạn như Philippines.

Nhưng nếu Triều Tiên muốn thách thức Mỹ, họ có thể cho tên lửa phóng vệ tinh bay lên hướng bắc bán cầu. Khả năng này ít xảy ra vì nếu bắn tên lửa về phía bắc, Triều Tiên sẽ vấp phải sự phản đối không chỉ từ phía Mỹ mà cả từ phía Nga, Trung Quốc.

Việc phóng tên lửa về phía nam có thể cung cấp các số liệu tương tự. Quan sát vị trí kích hoạt các tầng tên lửa đẩy sẽ thấy được hiệu suất đẩy của tầng tên lửa. Lần phóng tên lửa tầm xa trước đây của Triều Tiên cho thấy hiệu suất tên lửa đẩy chưa đủ mạnh, thấp hơn rất nhiều so với yêu cầu.

Chưa thực sự đe dọa?

Theo các nhà phân tích, Triều Tiên hiện tại chưa thực sự là mối đe dọa về vũ khí hạt nhân vì nước này tuy có năng lực làm giàu uranium đến độ có thể sản xuất bom nguyên tử, nhưng chưa có công nghệ thu nhỏ uranium đã được làm giàu để đặt vào đầu đạn tên lửa.

Để làm được điều đó, cần phải cho nổ thử hạt nhân nữa. Thế nhưng, kể từ năm 2009, Triều Tiên chưa cho nổ hạt nhân thêm lần nào. Hơn nữa, Triều Tiên còn thiếu tên lửa tầm xa để có thể mang đầu đạn hạt nhân đến các mục tiêu xa hơn.

ten-lua-taepodong-2-cua-trieu-tien-roi-be-phong-2009
Tên lửa Taepodong-2 của Triều Tiên rời bệ phóng 2009.  Ảnh: AP.

 

Một vấn đề kỹ thuật nữa mà Bình Nhưỡng cần vượt qua là công nghệ bệ phóng. Tên lửa Unha-3 mà Triều Tiên sắp dùng để phóng vệ tinh là một phiên bản cải tiến của tên lửa đạn đạo tầm xa Taepodong-2.

Phiên bản này là sự pha trộn giữa công nghệ tên lửa của Liên Xô và rất có thể theo thiết kế của Iran. Tên lửa tầm xa Taepodong-2 có lịch sử bắn thử thất bại liên tiếp. Năm 2006, Triều Tiên bắn thử tên lửa Taepodong-2 lần đầu tiên thất bại do tên lửa nổ tung chỉ trong 40 giây sau khi rời bệ phóng.

Lần phóng thử thứ hai vào năm 2009, tên lửa Taepodong-2 rời bệ phóng tốt, bay được một đoạn khá xa nhưng do tầng thứ 3 của tên lửa đẩy không hoạt động đúng như chờ đợi nên cả tên lửa và vệ tinh rơi xuống Thái Bình Dương.

Các chuyên gia tên lửa Mỹ cho rằng, công nghệ tên lửa của Triều Tiên còn phụ thuộc rất nhiều vào linh phụ kiện nhập khẩu, chủ yếu từ Nga.

Nếu các số liệu thu được từ cuộc phóng vệ tinh sắp tới của Triều Tiên chứng tỏ điều này, có thể thấy công nghệ tên lửa của Bình Nhưỡng và các linh phụ kiện, thiết bị có thể bị hạn chế nghiêm trọng do Triều Tiên đang bị cô lập bởi các lệnh cấm vận quốc tế.

Những phân tích này có giá trị cho việc tiếp tục gây sức ép trên bàn đàm phán vì nếu thiếu linh phụ kiện, Triều Tiên không thể tiến hành các vụ thử tên lửa liên tiếp nhau.

Trong hoàn cảnh đó, nếu tăng sức ép, Bình Nhưỡng có thể phải đơn phương ngừng thử tên lửa vì Triều Tiên chưa tự sản xuất được các linh phụ kiện tên lửa cần dùng, theo các chuyên gia.

Khả năng bắn hạ

Nhật Bản hiện sở hữu các dàn phóng tên lửa đánh chặn PAC-3 đã triển khai ở Okinawa gần đường đi của quả tên lửa sắp phóng của Triều Tiên. Nhật Bản có tàu khu trục Aegis cảnh báo sớm để phục vụ đánh chặn tên lửa.

Okinawa cũng là nơi Mỹ có nhiều căn cứ quân sự. Để chuẩn bị đối phó cuộc phóng vệ tinh sắp tới, Mỹ đã triển khai một hệ thống cảnh báo sớm phục vụ đánh chặn tên lửa tối tân nhất hiện nay Sea-Based X band Radar (SBX).

Hệ thống này mạnh đến mức có thể theo dõi đường bay của một vật thể nhỏ như một quả bóng chày cách xa 4.000 km.

Ngoài ra, Mỹ còn huy động các vệ tinh quan sát luồng nhiệt phát ra từ quả tên lửa phóng vệ tinh của Triều Tiên đưa vào máy tính phân tích chỉ trong vòng một phút, các thông số sẽ được chia sẻ ngay cho Nhật Bản.

Sau khi Bình Nhưỡng công bố kế hoạch phóng vệ tinh, Tokyo và Seoul liền cảnh báo sẽ theo dõi đường bay của tên lửa mang vệ tinh và có thể bắn hạ nếu cảm thấy an ninh bị đe dọa.

Trên thế giới chưa từng có trường hợp một nước nào bắn hạ tên lửa mang vệ tinh của nước khác nên khả năng Tokyo và Seoul bắn hạ tên lửa Triều Tiên ít xảy ra.

Theo dự báo, tên lửa mang vệ tinh của Bình Nhưỡng sẽ phần lớn bay qua vùng biển không có người ở.

Các chuyên gia quân sự Nhật Bản và Hàn Quốc đều cho rằng, bất kể tên lửa phóng vệ tinh của Triều Tiên được phóng như thế nào và về hướng nào thì cũng là cơ hội vô cùng quí giá để hiểu được trình độ công nghệ tên lửa của Bình Nhưỡng.

Nguyễn Đại Phượng
Tổng hợp