Không dùng luật “gò bó” hòa giải

hoa-giai-1

Không dùng luật “gò bó” hòa giải

Cập nhật 06/04/2012 05:38 (GMT+7)

 

Tại phiên họp của Ban soạn thảo dự án Luật Hòa giải cơ sở (HGCS) sáng qua (5/4), các ý kiến đều tập trung vào việc dự thảo phải đảm bảo tính tự nguyện, tự quản của hoạt động HGCS theo khuôn khổ pháp luật, nhưng không bị pháp luật “gò bó”.

hoa-giai-1
Hòa giải cơ sở góp phần giữ gìn tình làng nghĩa xóm.

 

Ai cũng có thể làm “hòa giải viên”

Dự thảo Luật HGCS có các qui định rất cụ thể về tiêu chuẩn, quyền và nghĩa vụ, thủ tục bầu, công nhận, nhiệm kỳ… của hòa giải viên. Tuy nhiên, đa số các thành viên Ban soạn thảo lại tỏ ra không hưởng ứng với những qui định này vì “chất lượng hòa giải phụ thuộc vào uy tín của người làm công tác hòa giải, không cần có tiêu chuẩn cụ thể cho hòa giải viên” như quan điểm của ông Nguyễn Am Hiểu, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự Kinh tế – Bộ Tư pháp. Thậm chí một số thành viên còn cho rằng “không cần thiết” khi qui định tiêu chuẩn “tốt nghiệp đại học” đối với người được bầu làm hòa giải viên ở các trung tâm hòa giải cộng đồng như trong dự thảo.

Thực tế cho thấy, nhiều trường hợp mâu thuẫn, tranh chấp được giải quyết là do các bên có mâu thuẫn, tranh chấp “nghe lời” hay “nể” người đứng ra dàn xếp, dù người đó có thể chỉ là tổ trưởng tổ dân phố, một người dân trên địa bàn hay một người quen biết với 1 hoặc các bên có mâu thuẫn, tranh chấp… Có nhiều kinh nghiệm trong công tác HGCS, bà Nguyễn Minh Hồng, Ủy ban MTTQ Việt Nam, nhận ra rằng: “Không phải lúc nào hòa giải viên cũng được mời tổ chức hòa giải, mà tùy từng đối tượng, từng trường hợp, những người khác, làm ngành nghề khác, nhiều người không có tên trong danh sách hòa giải viên lại hay được tìm đến và làm hòa giải hiệu quả hơn”.

Xuất phát từ bản chất của HGCS là để giữ gìn “tình làng nghĩa xóm”, “dùng tình cảm để giải quyết mâu thuẫn”, TS.Dương Thanh Mai, Chuyên viên cao cấp Bộ Tư pháp, nhấn mạnh: “Nếu qui định cứng về hòa giải viên thì vô hình chung đã loại khỏi những người khác tham gia hòa giải, không đúng bản chất của hòa giải. Phải phát huy tính chủ động và cộng đồng của người dân, chứ không phải pháp lý hóa bằng các qui định cứng về tổ chức và con người làm công tác hòa giải”.

Đồng thời, ông Trần Thế Quân, Bộ Công an,  kiến nghị phải chú ý thu hút của các tổ chức thích hợp khác của nhân dân ở thôn, xóm, bản, ấp, tổ dân phố và các cụm dân cư khác phù hợp với pháp luật, tập quán tốt đẹp của nhân dân vào tham gia hoạt động hòa giải mà “không chỉ bó hẹp trong tổ hòa giải” để phát huy tối đa các lực lượng xã hội đóng góp vào hoạt động HGCS một cách toàn diện và hiệu quả.

Như vậy, đội ngũ là công tác HGCS nên được bao gồm các hòa giải viên và những người khác theo lựa chọn của người dân nhằm tối đa hóa các nguồn lực và tính hiệu quả cho hoạt động HGCS. Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thúy Hiền, Phó trưởng Ban soạn thảo, lưu ý: các mâu thuẫn, tranh chấp ngày càng phức tạp nên năng lực hòa giải viên cũng phải được tăng cường để đáp ứng yêu cầu. Do vậy, hòa giải viên cũng cần được điều chỉnh bởi những qui định chặt chẽ để đảm bảo tính chuyên nghiệp, được bầu theo một số tiêu chuẩn nhất định, được MTTQ ở cơ sở tham gia chỉ đạo, lựa chọn trong cộng đồng dân cư…

Hòa giải cũng phải có “điểm dừng”

Dẫn ra ví dụ về việc sau khi được hòa giải, người vợ lại bị chồng đánh nhiều hơn vì “tội” “mang chuyện nhà ra bêu rếu”, ông Trần Huy Liệu, Q.Cục phó Cục Trợ giúp pháp lý – Bộ Tư pháp, cho rằng, tính chất của hòa giải là phải kiên trì nhưng “chỉ kiên trì đối với từng vụ việc, không thể kiên trì hòa giải với tất cả các vụ việc. Cần có qui định về thời điểm kết thúc hòa giải dù hòa giải thành hay không thành nếu không sẽ phản tác dụng”.

to-hoa-giai-co-so

Kết quả của quá trình hòa giải sẽ được thể hiện bằng một biên bản. Tuy nhiên, hiệu lực của biên bản hòa giải, nhất là nếu vụ việc tiếp tục được giải quyết bằng con đường tố tụng, là vấn đề vẫn gây nhiều tranh cãi. Theo một số ý kiến, biên bản HGCS nên được coi là căn cứ để buộc các bên thực hiện. Nếu kiện ra tòa thì đây cũng nên là căn cứ để Tòa quyết định thụ lý vụ án hay không.

Ông Trần Huy Liệu đề nghị, đối với những tranh chấp mà pháp luật qui định phải phải hòa giải trước khi xét xử, thì cần qui định phải có biên bản hòa giải không thành để tòa án có căn cứ thụ lý, tránh tình trạng “dân trình bày đã HGCS không thành, muốn khởi kiện nhưng vì không có biên bản nên Tòa án không chấp nhận”. Nhưng ông Trần Thế Quân đề nghị cân nhắc thêm về biên bản hòa giải thành “chỉ nên là ghi nhận thỏa thuận của các bên, mang tính tâm lý, đạo đức, không mang tính pháp lý, không phải quyết định công nhận và được đảm bảo thực hiện bởi các cơ quan có thẩm quyền”.

Song để hoạt động HGCS có “hiệu lực”, Thứ trưởng Nguyễn Thúy Hiền thấy nên “có những qui định để gắn trách nhiệm của các bên trong thực hiện thỏa thuận hòa giải thành”. Có như vậy mới không để xảy ra việc “nay đồng ý hòa giải thành, mai lại đâm đơn kiện”, vừa gây mất ổn định tại địa bàn dân cư, vừa làm mất uy tín của hoạt động HGCS – vốn được kỳ vọng là biện pháp “giảm tải” hữu hiệu cho hoạt động của Tòa án.

Mặc dù Thường trực Ban soạn thảo cố gắng “thuyết phục” về hiệu quả của mô hình Trung tâm hòa giải cộng đồng, nhưng đến nay vẫn có một số ý kiến không tán thành vì cho rằng, mô hình này không phù hợp tính chất HGCS và lo ngại “Trung tâm hoạt động phi lợi nhuận sẽ dẫn đến nguy cơ “phình” bộ máy và ngân sách nhà nước để duy trì hoạt động”, dẫn đến “hành chính hóa” hoạt động HGCS do Trung tâm hoạt động vừa theo nguyên tắc tự quản, vừa có yếu tố quản lý Nhà nước can thiệp…

Huy Anh