M&A; ngân hàng lại dậy sóng
Thùy Liên
Ảnh minh họa: Internet
(baodautu.vn) Nếu trở thành hiện thực, thì thương vụ sáp nhập, hợp nhất (M&A;) giữa Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB) và Ngân hàng TMCP Nhà Hà Nội (Habubank) sẽ khởi đầu cho làn sóng M&A; trong quý II/2012.
Hai cái tên Habubank và SHB tiếp tục làm nóng dư luận với câu chuyện trở thành “người một nhà”. Thông tin về việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) bày tỏ chủ trương với thương vụ M&A “khủng” này (dù chưa phải là văn bản chấp thuận cuối cùng) gây nhiều chú ý, xen lẫn tò mò, đồn đoán.
Lý do là, cách đây một tháng, khi dư luận rộ lên tin đồn hai ngân hàng này sáp nhập, thì Habubank một mực phủ nhận, còn SHB thì úp mở rằng “đang tìm đối tác”, trong khi NHNN thẳng thừng bác bỏ và cho hay, chưa nhận được báo cáo của hai ngân hàng. Đến thời điểm này, tuy NHNN và cả lãnh đạo hai ngân hàng đều chưa chính thức lên tiếng xác nhận văn bản nói trên, song thông tin từ những bên liên quan cho thấy, thương vụ này đã rõ nét hơn.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, một lãnh đạo của SHB không khẳng định chắc chắn, nhưng cho hay, có thể “theo dõi thông tin về vụ việc trên báo chí” (?). “Quyết định cuối cùng phải chờ công bố của NHNN. Chúng tôi sẽ thông báo chính thức vào Đại hội cổ đông cuối tháng này”, vị lãnh đạo trên cho biết.
Về phía Habubank, một nguồn tin từ ngân hàng này cho rằng, mọi thỏa thuận giữa hai bên vẫn đang được tiến hành ở cấp lãnh đạo cao nhất; sau Đại hội cổ đông của Habubank (dự kiến diễn ra trước ngày 15/4/2012), thông tin liên quan sẽ rõ ràng hơn.
Chính sự mập mờ của cả hai “đương sự” khiến nhà đầu tư có thêm cơ sở khẳng định, thương vụ M&A này trước sau gì cũng diễn ra, vấn đề còn lại chỉ là thời điểm được NHNN chấp thuận công bố. Dĩ nhiên, ngoài sự chấp thuận của NHNN, thương vụ còn phải được Đại hội cổ đông của hai bên thông qua, được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận và cấp giấy chứng nhận chào bán cổ phiếu cho SHB để hoán đổi cổ phần đang lưu hành của Habubank theo đúng tỷ lệ được hai bên thống nhất.
Phải nói thêm rằng, động thái của SHB và Habubank không nằm ngoài lộ trình xử lý ngân hàng nhóm 3 và nhóm 4 để làm lành mạnh hóa hệ thống của NHNN. Trước đó, Habubank đã được NHNN xếp vào nhóm 3.
Việc sáp nhập giữa SHB và Habubank đã được đồn đoán từ lâu. Ngoài hai cái tên trên, trên thị trường còn xuất hiện đồn đoán của nhiều thương vụ mua bán, sáp nhập ngân hàng khác.
Trên thực tế, việc mua bán, sáp nhập này phù hợp với chủ trương của NHNN về xử lý các ngân hàng yếu kém. Đầu năm 2012, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình từng khẳng định, sẽ sáp nhập 5-8 ngân hàng trong quý I/2012. Quý I đã kết thúc, chưa thương vụ mua bán, sáp nhập ngân hàng nào được công bố. Tuy nhiên, Phó thống đốc NHNN Nguyễn Đồng Tiến khẳng định, việc mua bán, sáp nhập ngân hàng đang được tiến hành khẩn trương, việc công bố chậm hơn dự kiến là bởi quá trình mua bán, sáp nhập ngân hàng rất phức tạp, cần xử lý nhiều vấn đề kỹ thuật.
Như vậy, việc mua bán, sáp nhập 5-8 ngân hàng như Thống đốc NHNN tuyên bố sẽ diễn ra trong quý II/2012 này, trong đó, việc hiện thực hóa thương vụ M&A giữa SHB và Habubank có thể là “phát súng mở màn” của năm 2012. Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành cũng khẳng định: “Theo tôi, NHNN sẽ xử lý ngân hàng yếu kém trong vòng 1-2 tháng nữa”.
Rất có thể, rút kinh nghiệm từ thương vụ giữa SHB và Habubank, nhiều thương vụ tiếp theo sẽ “kín đáo” hơn và chỉ công bố khi mọi việc xong xuôi. Hiện trên thị trường xuất hiện rất nhiều tin đồn về việc Oceanbank đang xúc tiến mua cổ phần một ngân hàng khác, song phía ngân hàng này vẫn phủ nhận và cho biết, chưa có thông tin chính thức. Tương tự, Ngân hàng Đông Á sau khi tuyên bố “đang tìm đối tác sáp nhập”, đã khẳng định lại đây chỉ là ý tưởng. Còn ACB, dù khẳng định không tham gia thâu tóm Sacombank, nhưng cũng khẳng định, mua bán, sáp nhập là một định hướng trọng tâm của ngân hàng này thời gian tới.
Dĩ nhiên, thương vụ đình đám được quan tâm nhất thời gian này (sau thương vụ SHB và Habubank) vẫn là thương vụ giữa Eximbank và Sacombank, dự kiến sẽ được kiểm chứng tại Đại hội đồng cổ đông của Sacombank (diễn ra vào quý II/2012).
Một xu hướng khác đang được nhiều ngân hàng tính tới trong làn sóng M&A ngân hàng năm 2012 là bán cổ phần cho các đối tác nước ngoài. Năm 2011, nhiều ngân hàng đã chào bán thành công 5-20% cổ phần cho các đối tác nước ngoài, như Ngân hàng Phương Nam (SouthernBank), Ngân hàng Quốc tế (VIB), Ngân hàng Phương Đông (OCB)…