Cá tra, khúc quanh thị trường

traba

Cá tra, khúc quanh thị trường

HỮU ĐỨC   -Thứ Sáu, 06/04/2012, 10:51 (GMT+7)

Qua 2 tháng đầu năm 2012 mặt hàng cá tra lạc quan trước mức tăng trưởng trên thị trường xuất khẩu. Nhưng trong tháng 3 vừa qua tình hình tiêu thụ lại rơi vào điệp khúc cũ: Rớt giá.

Những ngày qua ở ĐBSCL dân nuôi cá tâm trạng nặng nề và chưa thể hiểu vì sao cá tra đang có giá tốt bỗng nhiên xuống đáy?

Theo Hiệp hội Chế biến & xuất khẩu thủy sản VN (VASEP), dự đoán năm 2012 XK thủy sản có nhiều cơ hội thuận lợi. Tiếp đến, công bố mới đây cá tra, tôm được miễn giảm thuế chống bán phá giá xuống gần bằng 0%. Như vậy hàng thủy sản sẽ có thêm điều kiện rộng đường sang thị trường Mỹ.

Tình hình này sẽ có lợi hơn trong XK sang thị trường đối trọng là các nước châu Âu (EU), vì các nhà nhập khẩu sẽ không có cơ sở để ép giá hàng thủy sản VN. Tuy nhiên qua diễn biến thực tế phản ánh khá đúng thì gần đây cá tra bất ngờ giảm giá mạnh. Có nhiều nguyên do, dù XK vẫn giữ nhịp tăng đều, nhưng giá giảm. Một số DN gặp khó khăn tài chính, ngân hàng thắt chặt tín dụng.

thu-hoach-ca-tra-o-huyen-hong-ngu-tinh-dong-thap
Thu hoạch cá tra

 

Rớt giá, vì sao?

Vào tuần đầu tháng 4/2012, nông dân bán cá tra quanh các nhà máy chế biến thủy sản XK khu vực An Giang, Cần Thơ cho biết, giá cá tra nguyên liệu liên tục giảm, từ 26.000- 27.500 đồng còn 23.000- 24.500 đ/kg. Với mức giảm 2.000- 2.500 đ/kg so trong 2 tháng đầu năm, người nuôi than phiền: Giá bán đã xuống ngang mức giá thành thì xem như lỗ.

Diễn biến tình hình này lặp lại gần giống như nhiều lần trước đây. Gần nhất là trong 2 tháng cuối năm 2011, sau khi cá tra nguyên liệu tăng vọt đạt mức kỷ lục 29.000 đ/kg thì đến cuối tháng 12, giá đột ngột giảm xuống 25.000 đ/kg. Lý giải tình hình lúc đó là do cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu. Thế nhưng đến giữa tháng 1/2012 giá cá tăng trở lại lên 27.000- 28.000 đ/kg.

Đối diện thực trạng cá tra đang rớt giá, giám đốc 1 DN chế biến XK cá tra tại Cần Thơ, nêu nguyên nhân chính là do tình hình SX-KD và thị trường cá tra gặp khó, như đi vào “khúc quanh” thị trường. Trong vấn đề nội tại, ông phân tích: “Hiện thời DNSX tính ra 1kg cá phi-lê mất khoảng 9.000 đồng. Trong đó giá bán 2,9 USD/kg, so năm ngoái giá 3,2 USD/kg, mất 30 cent/kg (tương đương khoảng 6.000 đồng).

Thêm vào đó, sự điều chỉnh tỷ giá tiền đồng và ngoại tệ DNXK chịu mất thêm khoảng 1.000 đ/kg; phần phụ phẩm chế biến cá trước đây bán 7.000 đ/kg nay giảm còn 5.000 đ/kg, mất 2.000 đ/kg và không thể lấy khoản này bù vào chi phí chế biến như trước. Như vậy, DN muốn tồn tại, có lãi DN phải bán giá trên 3,1 USD/kg hoặc chọn giải pháp hạ giá thu mua cá nguyên liệu.

Bên cạnh đó, vì sao nhận định thị trường Mỹ tốt, nhưng giá cả ảm đạm? Có ý kiến cho rằng sau khi có kết quả Mỹ áp thuế chống bán phá giá cá tra vừa qua ở mức thấp, tuy có nhiều khách đặt hàng, nhưng thị trường này cũng bắt đầu có thêm nhiều DN tham gia bán hàng. Con số ước tính hiện nay các DN tham gia chào bán hàng cá tra sang Mỹ đã tăng lên gấp đôi so với 18 DN của một vài năm trước. Có thể hình dung “chợ có nhiều người bán” chưa hẳn đã tốt, nhất là nhiều DN cùng ngành hàng cạnh tranh, giá khó tăng.

Trong khi đó tình hình kinh tế một số nước EU chưa thật sự sáng sủa. Trong nước các DN phải chịu mức lãi vay cao, giữ uy tín với ngân hàng, rút ngắn thời gian vay, vì lo ngại lãi suất quá hạn bị phạt và ngân hàng ngưng cho vay. Thêm nữa, gần đây có sự đồn đoán không căn cứ về bất ổn tài chính của một số ít DNXK cá tra sẽ tạo phản ứng dây chuyền khiến người nuôi cá lo sợ. Tuy nhiên đó không phải là nguyên nhân chính dẫn tới cá tra rớt giá. Bởi thực tế vẫn có nhiều DN tài chính lành mạnh đang thu mua chế biến cá tra bình thường.

Tìm sự ổn định

Đã nhiều năm cá tra biến động giá xảy ra như một điệp khúc khá quen thuộc. Cứ mỗi lần cá tra rớt giá, người nuôi và DN đều không hài lòng với nhau. Theo các chuyên gia quan sát ngành hàng này, diễn biến thị trường cá tra không nằm ngoài qui luật cung-cầu. Giá cá tăng thường rơi vào lúc hụt nguồn cung nguyên liệu, thị trường XK hút hàng. Khi giá giảm thường rơi vào điểm trùng lúc nguồn cung đang thừa, XK gặp khó, sức tiêu thụ giảm. Mặt khác, qua diễn biến giá tăng-giảm còn cho thấy như mang tính chu kỳ, mức giá tăng cao đỉnh điểm hay giá xuống thấp thường không kéo dài quá 3 tháng.

Năm 2011 cá tra đạt kim ngạch XK 1,8 tỷ USD, tăng 26,5% so với năm 2010. Nhận định của các chuyên gia kinh tế cho rằng XK tăng đều nhờ các DN cung ứng tốt, giá trung bình cả năm tăng 26% so với năm 2010 và tăng chủ yếu do giá tăng theo từng giai đoạn, như từ tháng 5 đến tháng 8 và tháng 10, 11.

traba

Theo VASEP, XK cá tra vẫn tăng. Do đó trong thời gian tới tình hình tiêu thụ là khả quan. Trong quý I/2012, XK cá tra ước đạt trên 450 triệu USD, tăng 15% so cùng kỳ năm ngoái (380 triệu USD). Lượng cá tra nguyên liệu trong thời gian tới còn thiếu do nguồn cá giống không đáp ứng nhu cầu thả nuôi.

Hiện nay sản lượng cá tra tồn đọng trong dân còn khoảng 200.000 tấn. Dự kiến kế hoạch năm 2012 sản xuất 1,2 triệu tấn cá tra và kim ngạch XK phấn đấu đạt 2 tỷ USD.

Nhưng vào những lúc giá cá tăng cao như vậy, giới DN nhận xét có thể chưa phản ánh đúng kết quả tích cực từ thị trường mà đó là lúc rơi vào thời điểm thiếu nguyên liệu ngắn hạn. Nhìn rộng ra các mặt hàng nông-thủy-hải sản thường không có giá cố định, không có giá cao hay thấp kéo dài. Do đó, sau những lần biến động giá cá tra, các DN đều tin rằng: Sau khi giá cá giảm tới mức giá thành nhất định sẽ tăng giá trở lại. 

Đó là lý do từ nhiều năm qua ngành hàng cá tra luôn tự tin và chưa bao giờ bi quan. Hơn thế nữa, cứ sau mỗi lần giá giảm thấp, cá tra lại mở rộng được thêm thị trường mới, như trước đây đã có Mexico, Braxin và thị trường nhiều nước khác. Sản lượng XK hàng năm tăng lên bên cạnh thị trường các nước EU, Mỹ.

Làm thế nào ngành hàng cá tra liên tục phát triển và biên độ giá cả thị trường không tăng-giảm mạnh, sản lượng cá nuôi trong năm không quá thừa hay quá thiếu ? Vấn đề cho thấy cần có vai trò quản lý Nhà nước tầm vĩ mô trong việc điều tiết thị trường từ qui hoạch, kế hoạch SX. SX sản lượng bao nhiêu đáp ứng nhu cầu thị trường và định hướng mức tăng sản lượng phù hợp khi thị trường mở rộng. Từ đó điều chỉnh chính sách tín dụng hợp lý, đáp ứng nhu cầu SX. Theo xu hướng này, hoạt động SX và tiêu thụ cá tra trong vùng phải tự điều chỉnh. Bên cạnh DN hình thành vùng nuôi cá cần có sự liên kết giữa DN và nông dân. Người nuôi có tay nghề kỹ thuật SX cá đạt chất lượng tốt.

Mục nhập này đã được đăng trong News và được gắn thẻ .